Khách Việt còn rụt rè mua ôtô trả góp

Tỷ lệ khách Việt vay ngân hàng mua xe phổ biến ở mức 30-40%, trong khi ở các nước phát triển con số này có thể tới hơn 80%.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người lao động Việt năm 2022 là 6,7 triệu đồng/tháng. Nghĩa là mất hơn 4 năm, mức thu nhập trung bình như vậy của một người mới mua nổi một chiếc ôtô. Giá trị xe quá cao khiến việc mua xe thông qua các dịch vụ tài chính ngân hàng chưa phải là thói quen tiêu dùng như những nước Âu, Mỹ.

Tại Việt Nam, tuỳ từng hãng xe, dòng xe, vùng miền mà số lượng khách hàng mua trả góp lại khác nhau. Dưới đây là số liệu trung bình của một số hãng xe tại Việt Nam trong 2022, do VnExpress thu thập từ các hãng.

Hãng Tỷ lệ khách mua trả góp (%)
Volkswagen 70
Suzuki 60-75
Jeep 50
Mitsubishi 40
Ford 30-40
Hyundai 33
Subaru 30-35
Toyota 25
Honda 30-40
Mercedes 60
Audi 30-40

Tỷ tệ vay trả góp ôtô còn thấp

Tỷ lệ vay mua xe của khách hàng Việt Nam ở mức thấp so với các thị trường phát triển. Theo thống kê của Bankrate, công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng có tiếng tại Mỹ, năm 2022 tới 80,9% khách hàng ở xứ cờ hoa mua xe qua dịch vụ tài chính ngân hàng, năm 2021 còn cao hơn – 85,3%. Trong khi tại Đức, theo báo cáo DAT Report 2022 (Deutsche Automobil Treuhand), 66% khách hàng mua xe mới thông qua vay ngân hàng hoặc vay chính đại lý

.Theo các chuyên gia bán hàng, mức độ dễ dàng trong việc vay và trả lãi mua xe là yếu tố chính ảnh hưởng tới quyết định mua sắm. Mức lãi vay mua xe ở Việt Nam giao động theo lãi suất huy động, vì thế biến động mạnh, hiện khoảng 8,5% trở lên. Tại Mỹ, theo tổng hợp của Bankrate, con số này khoảng 6%, nhưng số tiền phải chi trả của người Mỹ cho cùng một dòng xe so với người Việt chỉ bằng một phần ba, trong khi thu nhập cao hơn nhiều lần, vì thế áp lực trả nợ là nhỏ hơn rất nhiều.

 

Hiện nay các ngân hàng cho vay 70-80%, thậm chí 100% giá trị xe. Tuy vậy, lãi suất thấp thường chỉ được ưu đãi trong thời gian đầu, nên ở thời gian sau đó, khách phải “gồng gánh” nhiều, đặc biệt những khách mua xe cho mục đích kinh doanh vận tải hàng hóa, người. Nhiều khách vay đến thời hạn không thể trả, trở thành nợ xấu sẽ bị ngân hàng xiết nợ bằng cách thu hồi chiếc, mất luôn “cần câu cơm”. Đây chính là lý do khiến phần đông người Việt vẫn rụt rè trong việc mua xe trả góp, theo các chuyên gia ngân hàng và bán xe.

Về tỷ lệ cụ thể theo hương hiệu, ở mảng xe phổ thông, các hãng có lượng khách hàng mua bằng hình thức vay ngân hàng cao như Volkswagen, Suzuki, đều từ 60% trở lên. Jeep cũng có mức khách mua trả góp cao, 50%. Còn lại, phổ biến ở mức dưới 40%. Với MitsubishiHondaHyundaiSubaruFord con số khoảng 30-35%. Riêng Toyota, số liệu thống kê trong tháng 1-2 năm nay là khoảng 26% khách mua thông qua vay ngân hàng.

Ở mảng xe sang, thương hiệu bán nhiều xe nhất thị trường, Mercedes có lượng khách hàng mua xe nhờ tài chính từ ngân hàng chiếm khoảng 60%. Con số này gấp đôi so với thương hiệu đồng hương Audi. Trong khi đó, Lexus không tiết lộ con số cụ thể nhưng cho biết ở mức “rất thấp”. Những người bán xe sang lâu năm cũng nhận định khách Lexus thường là giới trung niên, hầu hết mua xe trả thẳng.

Ở mỗi hãng xe, tỷ lệ mua trả góp ở từng dòng lại không giống nhau. Đa phần các dòng xe giá rẻ, có xu hướng chạy dịch vụ sẽ có tỷ lệ người mua trả góp cao hơn. Xe càng đắt, càng cá tính thì tỷ lệ này càng thấp. Ví như ở Mitsubishi, Attrage là dòng mà 55% khách mua trả góp, Xpander là 40-45%, trong khi Pajero Sport chỉ 10-15%. Với Toyota, các dòng xe có xu hướng chạy dịch vụ nhiều người vay nhất, Avanza 48%, Veloz 37%, Innova 33% và Vios là 30% (số liệu thống kê tương đối tháng 1-2 năm nay).

Tỷ lệ khách mua xe trả góp cũng khác nhau theo vùng địa lý. Không có con số thống kê cụ thể nhưng đại diện các hãng cho biết, khách hàng miền Nam thường vay ngân hàng nhiều hơn miền Bắc. Thói quen mua sắm và đặc thù lối sống mỗi vùng tạo nên sự khác biệt về tỷ lệ mua xe trả góp của hai miền.

Khách hàng tham khảo xe tại một đại lý Mitsubishi ở TP HCM. Ảnh: Phạm Trung

Khách hàng tham khảo xe tại một đại lý Mitsubishi ở TP HCM. Ảnh: Phạm Trung

Anh Vĩnh Nam, Trưởng phòng bán hàng đại lý Meredes Vietnam Star (Bình Dương) cho rằng, phần đông người miền nam phóng khoáng về chi tiêu hơn so với những vùng khác. Lượng lớn khách hàng ở miền nam mua xe là những người kinh doanh hoặc mua xe để kinh doanh, quyết định mua xe vì thế nhanh chóng hơn.

“Khách hàng phía bắc có khuynh hướng chi tiêu cẩn trọng. Ôtô với họ là một tài sản lớn và họ thường mua khi đủ điều kiện kinh tế, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa khách miền bắc mạnh tài chính hơn miền nam”, anh Nam cho biết thêm.

Với riêng mảng xe cũ, tỷ lệ khách mua trả thẳng hoặc trả góp thông qua ngân hàng không được thống kê đầy đủ bởi phần nhiều giao dịch đơn lẻ giữa chủ xe và người mua. Giám đốc một salon kinh doanh xe cũ tại Hà Nội nói rằng, nhìn chung xe “lướt” dưới 3 năm mới cần đến vay ngân hàng.

“Ngân hàng thường khắt khe hơn và duyệt kỹ hồ sơ vay mua xe cũ sau 3 năm lăn bánh hoặc hơn. Khách trung niên từ 30-40 tuổi trở lên, khi tài chính ổn định hoặc có tài sản tích luỹ, chủ yếu mua trả thẳng, độ tuổi nhỏ hơn thì cần đến vay ngân hàng”, anh này nói.

Vay mua xe sẽ khó khăn trong 2023

Lợi ích của việc mua xe trả góp là người tiêu dùng không cần lo lắng về khoản tiền ban đầu lớn, đồng thời có thể tiết kiệm nguồn tài chính để sử dụng cho mục đích đầu tư sinh lời khác. Tuy vậy, rủi ro của vay tiêu dùng là khoản phải trả (lãi và gốc) hàng tháng là một áp lực khiến chủ xe luôn phải đảm bảo dòng tiền thu nhập ổn định. Đồng thời nếu không trả được nợ, mức độ tin cậy của người dùng sẽ giảm đáng kể ở hệ thống ngân hàng.

Sang 2023, các chuyên gia nhận định tỷ lệ khách mua xe thông qua vay sẽ giảm bởi lãi suất cao, room tín dụng thu hẹp, nhu cầu của khách với ôtô bị ảnh hưởng đáng kể. Các chuyên gia lẫn nhiều hãng xe dự đoán, nếu những khó khăn hiện nay không được tháo gỡ, lãi suất vay không giảm, doanh số thị trường ôtô trong nước có thể suy giảm khi mới vừa thiết lập mức bán kỷ lục hơn nửa triệu xe trong 2022.

“Với lãi suất cao như hiện nay, những khách mua xe cần hỗ trợ tài chính từ ngân hàng bị tác động nhiều nhất. Nhu cầu mua ôtô với nhóm khách này thậm chí là dừng chứ không phải chậm lại”, bà Thảo Vân, Trưởng phòng marketing Volkswagen Việt Nam đánh giá.

Để kích cầu tiêu dùng, ngoài khuyến mại giảm giá bằng tiền mặt hoặc phụ kiện, các hãng còn đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi cho khách. Ví dụ như Toyota trong tháng 3 ưu đãi lãi vay 7,99% trong 3 tháng đầu và 9,9% trong 6 tháng tiếp theo cho các mẫu Vios, Fortuner. Mitsubishi có gói ưu đãi lãi vay 9,9% trong 12 tháng đầu cho tất cả các mẫu xe.

Với Volkswagen, hãng có tỷ lệ mua xe trả góp cao hàng đầu thị trường, đang áp dụng gói hỗ trợ lãi suất vay 0% trong 12 tháng đầu cho tất cả các mẫu xe (trừ Touareg). Trước đó vào tháng 2, lãi suất 0% chỉ áp dụng cho các mẫu xe của hãng trong 6 tháng đầu. “Giao dịch mua bán trên thị trường đang rất chậm nên chúng tôi buộc phải điều chỉnh”, bà Vân nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo 01 Chat Zalo 02 Facebook Tel: 098.479.3322 Tel: 097.266.2008